HAI LOẠI TƯ CÁCH LƯU TRÚ MỚI TẠI NHẬT

Dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới dành cho lao động nhập cư, được chính phủ giải thích là biện pháp nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản trong bối cảnh thị trường lao động nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực […]

Dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới dành cho lao động nhập cư, được chính phủ giải thích là biện pháp nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản trong bối cảnh thị trường lao động nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Chú thích ảnh
Người lao động nước ngoài tại một công trường ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review

Sau khi được chính phủ thống nhất ngày 2/11, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trình lên Quốc hội dự luật giới thiệu tư cách lưu trú mới đối với lao động nước ngoài, gồm 2 loại: tư cách lưu trú “kỹ năng đặc thù loại 1” và tư cách lưu trú “kỹ năng đặc thù loại 2”.

Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc thù loại 1” yêu cầu lao động phải có trình độ hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp cần thiết trong lĩnh vực được tuyển dụng và phải đỗ kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định.

Yêu cầu thứ hai là phải có trình độ tiếng Nhật nhất định, đủ giao tiếp cơ bản cho cuộc sống tại Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật sẽ được xác định bằng kết quả tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Thời hạn của loại visa này tối đa là 5 năm, không được gia hạn và không được phép đem thân nhân sang Nhật Bản cùng sinh sống.

Visa này dành cho 14 ngành nghề gồm: xây dựng, đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền, sửa chữa bảo dưỡng ô tô, hàng không, lưu trú khách sạn, điều dưỡng, bảo dưỡng cao ốc, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến đồ uống và thực phẩm, dịch vụ ăn uống, ngành công nghiệp gia công cơ khí, ngành chế tạo máy công nghiệp, ngành công nghiệp điện và điện tử.

Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc thù loại 2” quy định kỹ năng nghề phải đạt mức thành thạo trong lĩnh vực được tuyển dụng, được xác nhận thông qua kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định.

Số ngành được tuyển dụng giảm từ 14 trong visa “kỹ năng đặc thù loại 1” xuống còn 5 ngành trong visa “kỹ năng đặc thù loại 2”, gồm: xây dựng, đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền, sửa chữa bảo dưỡng ô tô, hàng không, lưu trú khách sạn. Tư cách lưu trú này được phép đưa gia đình sang Nhật Bản cùng sinh sống và không bị quy định thời gian lưu trú tối đa.

Dự luật mới cho phép lao động nước ngoài được cấp visa “kỹ năng đặc thù loại 1” có thể xin đổi sang visa “kỹ năng đặc thù loại 2” nếu trình độ chuyên môn tay nghề đạt được yêu cầu của visa “kỹ năng đặc thù loại 2”. Năng lực tay nghề sẽ được xác nhận bằng kỳ thi do sở, ban, ngành hoặc bộ quy định.

Ngoài ra, lao động có visa “kỹ năng đặc thù loại 2”, nếu đáp ứng đủ điều kiện, có thể xin chuyển sang tư cách cư trú không xác định thời hạn, còn gọi là “vĩnh trú”. Visa “kỹ năng đặc thù loại 2” được đánh giá gần giống visa “vĩnh trú” với tính chất không hạn chế thời gian lưu trú.

Điều khác biệt lớn nhất giữa hai loại visa này là visa “kỹ năng đặc thù loại 2” quy định ngành được tuyển dụng, không để mở như visa “vĩnh trú”.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, dân số Nhật Bản tính đến ngày 1/1/2018 là 125.209.603 người, giảm 374.055 người so với thống kê của năm trước. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, dân số Nhật Bản giảm.

Điều đáng chú ý là số người trong độ tuổi lao động giảm mạnh, chỉ ở mức 74.843.915 người, chiếm gần 59,77% dân số. Tỷ lệ tuyển dụng tháng 12/2017 đạt 1,59 lần, tức là cứ 159 chỉ tiêu tuyển dụng thì chỉ có 100 người đăng ký tìm việc. Đây là tỷ lệ ứng tuyển thấp nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản.

Có nên đi xuất khẩu lao động Nhật Bản làm việc không?

Lao động sang Nhật làm việc ngày càng nhiều.

Trong những năm qua, để giải quyết tình trạng thiếu lao động, Nhật Bản đã có những cơ chế nhằm cho phép người nước ngoài vào làm việc. Tính đến tháng 10/2017, số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục với gần 1,28 triệu người.

Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng lao động ngày càng nghiêm trọng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành điều dưỡng và xây dựng, đang rơi vào tình trạng rất khó tuyển dụng lao động, trở thành rào cản tăng trưởng kinh tế.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cũng nhấn mạnh việc thiếu nhân lực đã trở nên rõ ràng trong ngành xây dựng cũng như nhiều ngành khác, đặc biệt trước thềm Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp không hoạt động tại các đô thị lớn ở Nhật Bản là những đối tượng cảm nhận rõ nhất vấn đế khủng hoảng nhân lực. Điều này cho thấy các biện pháp nhằm bổ sung nhân lực hiện nay của Chính phủ Nhật Bản chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Vì vậy, chính phủ cho rằng cần phải mở rộng chế độ tiếp nhận lao động nước ngoài trong các ngành có tính kỹ thuật và chuyên môn, mở rộng mô hình tiếp nhận lao động nước ngoài có kỹ năng nghề và trình độ chuyên môn nhất định.

Theo Chánh văn phòng nội các Suga, việc đưa ra tư cách lưu trú mới nhằm tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài là biện pháp đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là cho phép công nhân nước ngoài đáp ứng được các điều kiện nhất định, trong đó có điều khoản phải có hợp đồng lao động có giá trị, sẽ được làm việc trong một số ngành được quy định trong một thời gian xác định tại Nhật Bản.

Nguồn: Theo TTXVN tại Nhật Bản.

xuatkhaulaodongnb.com - Website tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.