Ở Nhật Bản du học 3 năm nhưng tôi có nhiều trải nghiệm quý. Chúng tôi đi được nhiều nơi và tìm hiểu về văn hóa của Nhật Bản
Chồng nhận được học bổng du học, người vợ sẵn sàng thay đổi chính mình cùng chồng sang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ và lao động kiếm tiền mưu sinh nhưng vì sự nghiệp tìm chữ của chồng, chị đã vượt lên tất cả và là hậu phương vững chắc cho người chồng được phát triển sự nghiệp.
HY SINH VÌ VIỆC HỌC CỦA CHỒNG
Gặp cô sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (huyện Tuy An) trong những lần cùng chạy bộ tập thể dục buổi sáng, chàng trai Phạm Hồng Phúc (TP Tuy Hòa) đã đem lòng yêu mến. Hai năm sau, họ quyết định đến với nhau, về chung sống dưới một mái nhà. Người thân và bạn bè thường nói vui, chỉ cần nghe thấy tên của hai vợ chồng là đã thấy hạnh phúc. Một năm sau, vợ chồng chị đón Phạm Công Đạt – đứa con trai đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Đầu năm 2014, với vốn tiếng Anh tự trang bị, anh Phúc “săn” được học bổng cao học về Luật của Chính phủ Úc. Tháng 6/2014, anh lên đường sang Melbourne du học. Mặc dù trước đó vợ chồng anh Phúc đã thống nhất sẽ cùng nhau sang Úc và tạm để con trai nhỏ 4 tuổi ở lại Phú Yên cho bà nội chăm sóc, nhưng thương con, anh chị quyết định đưa cháu đi cùng. Chị Hạnh nhớ lại: “Mặc dù xác định sang Úc để làm việc kiếm tiền, chăm sóc cho chồng yên tâm ăn học, nhưng tôi cũng không khỏi đắn đo và lo lắng vì vốn ngoại ngữ hạn chế. Thời gian đầu sang xứ người khá vất vả vì chúng tôi phải học cách thích nghi và làm quen với mọi thứ. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi. Cuối cùng, tôi nhận việc phụ bếp ca tối cho một nhà hàng. Công việc nặng nhọc nhưng chỉ có 10 USD/giờ. Vì chồng con nên tôi cố gắng”.
>> Kinh nghiệm chọn việc làm sau khi tốt nghiệp đại học Nhật bản
Còn với Hồ Thanh Trúc, mặc dù chồng chị đã lấy bằng tiến sĩ và cả hai đã trở về Phú Yên định cư từ tháng 10/2014, nhưng chị vẫn không quên 3 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Chị Trúc cho biết, vợ chồng chị bén duyên từ thời học chung Trường đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Năm 2011, cô gái quê ở Tây Ninh theo chồng về Phú Yên sinh sống. Khi anh Huy – chồng chị nhận học bổng du học tại Nhật Bản, chị Trúc đang học cao học ngành Công nghệ môi trường tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng chị đã quyết định hoãn lại việc học để theo anh đến xứ người. Chị Trúc bộc bạch: “Thời gian đầu sang Nhật, tôi gặp nhiều khó khăn. Trong khi chồng đi học, tôi ở nhà nội trợ. Ở khu ký túc xá sinh viên quốc tế, chỉ có vợ chồng tôi là người Việt Nam nên hầu như không có bạn để giao lưu. Tôi lại không biết tiếng Nhật nên rất khó để tìm việc làm”.
Để có thể tìm việc làm và hiểu hơn về xứ sở hoa anh đào, Trúc đăng ký theo học tiếng Nhật miễn phí tại các lớp học tình nguyện. Sau đó, chị xin vào làm tại một cửa hàng bánh. Tuy nhiên, công việc khá nhàn rỗi và lương thấp nên chị quyết định nghỉ, dành thời gian để chăm lo cho chồng và sinh con. Chị tâm sự: “Mặc dù Nhật Bản là một đất nước hiện đại, văn minh, nhưng trong tâm lý, vợ chồng tôi chỉ xem đó là “mảnh đất tạm”. Sau khi sinh con và có vốn tiếng Nhật khá hơn, tôi xin làm việc tại siêu thị. Tôi mong muốn kiếm được một số tiền “lận lưng” để về Phú Yên lập nghiệp”.
NIỀM HẠNH PHÚC ĐOÀN VIÊN
Trong cuộc trò chuyện với chị Hạnh và chị Trúc, chúng tôi nhận thấy để có thể sinh sống và làm việc tại nước ngoài là không hề dễ dàng với những người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, vì tương lai của chồng, các chị đã không ngại khó. Chị Hạnh chia sẻ: “Hiện con trai tôi đang theo học tại một trường mẫu giáo ở Úc. Còn tôi hàng ngày đi làm nấm với thù lao 21 USD/ giờ. Sau mấy tháng đầu “vật lộn” nơi đất khách, cuộc sống gia đình tôi đã thuận lợi và thoải mái hơn. Mỗi ngày, nhìn thấy chồng yên tâm học tập, con trai khỏe mạnh, vui vẻ là tôi mãn nguyện. Dù xa quê hương, nhưng chỉ cần có chồng con bên cạnh, nơi nào với tôi cũng là nhà và khó khăn nào cũng có thể vượt qua”.
Còn với chị Trúc, mặc dù bây giờ phải thi cao học và bắt đầu mọi thứ từ vạch xuất phát, nhưng chưa khi nào chị hối hận về quyết định của mình. Chị chia sẻ: “Ở Nhật Bản 3 năm nhưng tôi có nhiều trải nghiệm quý. Chúng tôi đi được nhiều nơi và tìm hiểu về văn hóa của Nhật Bản; có nhiều người bạn quốc tế tốt bụng, dễ mến. Vợ chồng tôi thường nấu các món ăn Việt Nam để các bạn nước ngoài thưởng thức”. Chị Trúc nhớ mãi kỷ niệm cả nhà cùng cắt tóc cho nhau. Chị nói: “Ở Nhật, cắt tóc khá đắt tiền. Để tiết kiệm, vợ chồng tôi quyết định tự cắt tóc cho nhau. “Quả đầu” mới của các thành viên trông “ngố” nhưng nhận được lời khen ngợi từ mọi người nên cũng thấy vui”. Anh Võ Thanh Huy, chồng chị Trúc thì nhớ mãi ngày sinh bé Võ Hồ Đỗ Quyên. Anh thổ lộ: “Đó là một ngày song hỷ vì tôi vừa nhận được email của ban biên tập một tạp chí khoa học quốc tế thông báo bài báo của tôi sắp được xuất bản thì 2 giờ sau, vợ sinh con gái. Khi đó, hoa đỗ quyên ở Nhật Bản nở ngát hương nên tôi lấy tên loài hoa ấy đặt tên cho con gái. Tôi luôn thầm cảm phục tấm lòng, sự hy sinh và đồng hành của vợ để tôi có thành công như hôm nay”.
xuatkhaulaodongnb.com - Website tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản uy tín số 1 tại Việt Nam
Khâm phục chị và anh, em chỉ ước vợ chồng em được như anh chị thôi !