5 điều KỲ LẠ trong Văn hóa Nhật Bản – Khó tin mà Có thật

Văn hóa Nhật Bản là nơi mà điều gì cũng có thể xảy ra, ngay cả việc tắm chung với những người mà bạn không hề quen biết cũng chẳng còn là chuyện lạ…

Văn hóa Nhật Bản mang vẻ đẹp muôn sắc muôn màu, có những điều khiến người dân của cả thế giới phải trầm trồ, thán phục nhưng cũng có những điều khiến ai nghe tới cũng phải nhăn mặt, dở khóc dở cười. Sau đây là những chuyện lạ mà có thật ở đất nước mặt trời mọc…

Bài viết tham khảo:

1. Tắm khỏa thân cùng người lạ?

Tắm chung cùng người lạ là một trong những nét văn hóa Nhật Bản đặc trưng

Tắm chung cùng người lạ là một trong những nét văn hóa Nhật Bản đặc trưng

Bạn đọc đúng rồi đó, nghe thì có vẻ khó tin nhưng đây chính là một trong những nét văn hóa Nhật Bản chính gốc 100% đó nha. Trước khi bạn nào kịp có những suy nghĩ đen tối thì để mình giải thích thêm đã nhé!

Đa số mọi người đều khá ngại ngùng khi để cho người khác nhìn thấy cơ thể trong tình trạng “không mảnh vải che thân” của mình. Tuy nhiên, trần như nhộng khi tắm chung cùng bạn bè hoặc người lạ lại là một phong tục văn hóa Nhật Bản kì lạ và độc nhất, chỉ tồn tại ở quốc gia Đông Á này.

Dù là ở nhà tắm công cộng hay tại các suối nước nóng, việc tắm cùng nhau được người dân đất nước mặt trời mọc coi là một hoạt động trải nghiệm lành mạnh, mang tính chất gắn kết và đầy thư giãn.

Người Nhật Bản quan niệm một tình bạn thuần khiết đúng nghĩa được gây dựng khi con người không cần phải “cải trang” hay giấu mình sau những lớp quần áo. Mối quan hệ này còn được gọi là “hadaka no tsukiai”.

Con người tháo gỡ những “giả vờ” thường nhật khi họ trút bỏ quần áo. Mảnh vải duy nhất bạn được phép mang vào các suối nước nóng chỉ là một mảnh khăn nhỏ để che các bộ phận nhạy cảm. Văn hóa suối nước nóng và quan niệm về “tình bạn” của Nhật quả thực là rất “hay ho” phải không các bạn :v

2. Dùng Tiếng Anh và Không biết Tiếng Nhật – Bạn tiêu chắc luôn

Người Nhật gặp trở ngại trong việc phát âm tiếng Anh

Người Nhật gặp trở ngại trong việc phát âm tiếng Anh

Thật ngạc nhiên khi tuy là một trong những đất nước phát triển nhất trên thế giới nhưng nếu xét về mặt bằng chung bên cạnh các quốc gia Châu Á khác thì Nhật Bản luôn có trình độ Tiếng Anh kém nhất trong các bảng xếp hạng.

Có phải là do người Nhật kém cỏi, không tiếp thu được ngoại ngữ hay không? Thực chất người Nhật rất giỏi trong việc đọc hiểu Tiếng Anh, tuy nhiên lại rất kém khi động tới 3 kỹ năng còn lại là Nghe, Nói và Viết. Một phần khác lại là do người dân đất nước mặt trời mọc rất rất tự hào về văn hóa và ngôn ngữ của chính dân tộc mình, luôn mong muốn và có khả năng Nhật hóa rất nhiều thứ của các quốc gia khác và biến nó trở thành văn hóa Nhật Bản.

Cụ thể trong trường hợp này đó là bảng chữ cái Katakana, chuyên được người Nhật sử dụng để biến những từ gốc nước ngoài thành các từ phát âm nửa Anh nửa Nhật. Ví dụ như “Television” (chiếc ti vi) trở thành “terebi”, “Apple” (quả táo) trở thành “Appuru”, “table” (cái bàn) trở thành “teburu”, “air conditioning” (điều hòa nhiệt độ) trở thành “eacon”, vân vân và vân vân…

Có lẽ những lí do trên đây và văn hóa sợ sai đã trở thành tường đá lớn ngăn cản người Nhật thực hành Tiếng Anh trong đời sống thường ngày.

3. Quy tắc ứng xử tràn ngập trên mọi mặt trận

Bộ quy tắc ứng xử là cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản

Bộ quy tắc ứng xử là cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản

Một điều các bạn cần phải nắm thật chắc trước khi sang Nhật, đó là bộ quy tắc ứng xử trong văn hóa Nhật Bản. Thật vậy, người Nhật rất coi trọng các quy tắc ứng xử. Các bạn sẽ không được nương tay chỉ vì bạn là người nước ngoài mới chân ướt chân ráo qua đây đâu.

Văn hóa ứng xử thời nay của người Nhật được cho là đã hình thành từ thời kì Edo cho đến tận ngày nay. Đây là thời đại lịch sử mà người dân từ muôn nơi tụ hội về Edo (chính là thủ đô Tokyo ngày nay) để sinh sống và làm việc.

Số lượng cư dân đông đúc cùng sinh sống trong một khu vực đòi hỏi người dân nơi đây phải tự đề ra những quy tắc ngầm trong ứng xử để hài hòa cuộc sống xung quanh mình.

Văn hóa Nhật Bản đề cao chủ nghĩa cá nhân, tối kị những hành vi làm xâm phạm hay ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của người khác. Hay hằng hà sa số những quy tắc văn hóa kì lạ và cầu kì khác có thể kể đến như: Không may bị người khác dẫm nhầm lên chân thì bạn cũng phải nói lời xin lỗi (Sumimasen), khi cầm danh thiếp người khác đưa cho mà cất đi luôn, không đọc được coi là hành vi bất lịch sự,…

Khi đi thang cuốn, bao giờ trong 1 làn cũng có 2 hàng, một hàng dành cho người đứng và một làn dành cho người đi. Nếu làm ồn trong khu trọ, bạn có thể bị chủ nhà mời đi ở chỗ khác. Ngay cả việc vứt rác cũng là một công việc cầu kì, để trong các bài viết tiếp theo mình sẽ kể chi tiết hơn với các bạn.

4. Cà khịa ư? Ở đây chúng tôi không có thứ đó

Ở Nhật các bạn không cà khịa được đâu

Ở Nhật các bạn không cà khịa được đâu

Các bạn nào đang quen ở Việt Nam, sang Nhật hẳn sẽ nhớ rất nhiều “món đặc sản” ở quê nhà, mà một trong số đó chính là “món” Cà khịa. Ở Nhật người dân ở đây thông thường không hiểu được khái niệm hay hàm ý nói mỉa.

Kể cả khi bạn nói đùa theo nghĩa bóng và không có ác ý gì thì người Nhật sẽ hiểu câu bạn nói theo đúng nghĩa đen mà họ nghe thấy.

Cũng không hẳn người Nhật Bản không biết hay không sử dụng những câu từ “cà khịa” mà đơn giản là họ không thể sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi. Việc chú trọng câu từ trong văn hóa Nhật Bản khiến bạn không thể tự tiện “cà khịa” với người không thân quen hay người có vị thế cao hơn (người lớn tuổi hơn hay ở chức vụ cao hơn,…).

Hiếm hoi lắm các câu nói “cà khịa” mang ý nghĩa bông đùa mới được sử dụng, và chỉ áp dụng với bạn bè hoặc những người kém về vai vế, đồng thời “cực kì” thân thiết thôi nhé! Vì vậy bạn nào có nhớ món này cũng đừng lôi ra dùng lung tung nha.

5. Phẫu thuật để có… hàm răng khấp khểnh?

Hàm răng khấp khểnh trong văn hóa Nhật được coi là dễ thương

Hàm răng khấp khểnh trong văn hóa Nhật được coi là dễ thương

Người Nhật “tôn thờ” những thứ “dễ thương” (kawaii), từ gấu bông, các nhân vật hoạt hình, linh vật, quần áo, cho đến những chi tiết nhỏ nhất trên hàng hóa tiêu dùng hàng ngày,… Và kì lạ thay, răng khểnh cũng được lọt vào trong danh sách những nét đẹp cần được tôn thờ này.

Có thể ở Việt Nam, bạn nào có điều kiện sẽ muốn đi chỉnh lại để có được hàm răng vừa trắng lại vừa đều. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, đặc biệt là một bộ phận phụ nữ ở quốc gia này lại đi chỉnh răng để có được một hàm răng khấp khểnh. Sự thật 100% luôn các bạn ạ.

Người Nhật coi răng khểnh là một nét đẹp “dễ thương” vì nó thể hiện sự trong sáng, đặc biệt là ở nữ giới. Bạn nào có răng khểnh đang muốn niềng răng cho đẹp mà còn lấn cấn? Thế thì bạn chỉ cần sang Nhật thôi, chẳng cần nghĩ ngợi gì vì bạn auto được coi là dễ thương luôn!

Còn nhiều hơn nữa những điều mà mình muốn chia sẻ với mọi người, các bạn hãy đón đọc trong những bài viết tiếp theo nhé!

xuatkhaulaodongnb.com - Website tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản uy tín số 1 tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.